Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

[Interview] 2017.07 | Tổng biên tập IZM Magazine phỏng vấn Kangta (Bài rất dài)

PHỎNG VẤN KANGTA
  • Ngày : 2017/07  
  • by Im Jin Mo


http://www.izm.co.kr/photo/Interview/2017-07/%EB%B3%B8%EB%AC%B81_2.jpg

Vào đầu những năm 2000,  một kĩ thuật viên phòng thu ở Kangnam, Seoul đã nhiều lần nói với tôi rằng Kangta của H.O.T. rất hay đến xem những nghệ sĩ khác thu âm mà không báo trước và nhận xét “Anh bạn này quả thật có đam mê với âm nhạc.” Ngày đó định kiến rằng anh ấy chỉ là thành viên trong một nhóm nhạc idol rất mạnh nên khi nghe được chuyện này tôi đã rất ngạc nhiên. Kangta cũng đã tự mình nói: “Em rất muốn làm âm nhạc. Vì muốn làm nhạc nên em mới vào H.O.T.” Ngoài việc nhảy và hát ra thì việc anh ấy sáng tác “Hope”, một trong số những bài hit lớn của H.O.T., là một bước tiến tôi không ngờ tới. Không dừng lại ở giọng ca chính, rap và nhảy của H.O.T., Kangta đã mở rộng phạm vi hoạt động sang cả lĩnh vực sản xuất và sáng tác nhạc.

Bắt đầu với album solo có Polaris và My life, rồi nhiều hoạt động dự án như nhóm nhạc S và cặp song ca idol quốc tế Kangta & Vanness, anh ấy đã không còn là idol mà đã đạp chân lên bàn đạp của một người nghệ sĩ rồi. Trong quá trình này thì anh ấy đã viết nhiều bài nhạc ballad và jazz. Tôi đã rất muốn gặp anh ấy và nói chuyện. Hiện giờ đang làm DJ cho radio Starry night, qua bài phỏng vấn này, anh ấy đã bộc lộ hết về quá khứ và hiện tại của mình mà không hề giấu giếm. Tài ăn nói của anh đúng là vượt trội. Anh ấy đã nói về đam mê âm nhạc thời H.O.T., tự đánh giá về Hallyu, về hoạt động giám đốc danh dự của SM và về âm nhạc mà anh ấy yêu thích một cách đầy hứng thú.
Từ tháng 6 năm ngoái anh đã làm DJ cho radio “Starry Night” rồi. Khi làm DJ anh cảm thấy thế nào?
Trước đây tôi đã làm radio ở KBS tầm 2 năm rồi. Tôi làm hồi 23, 24 tuổi, và cái đó như một bước chuẩn bị vậy. Một bên là radio làm vào những năm đầu độ tuổi 20 khi tôi không có nhiều kinh nghiệm về cuộc sống, và vì ra mắt khi còn nhỏ nên cho đến lúc đó tôi cũng đã chỉ sống cuộc sống của một ngôi sao; một bên là radio bắt đầu khi tôi 38 tuổi, đã đi quân ngũ về, đã cảm nhận được khó khăn của những người bình thường và cũng đã trải qua chuyện này chuyện kia; chúng rất khác nhau. Tôi nhận ra rất nhiều điều mình không biết, không chỉ về mặt trí thức mà còn về mặt cảm xúc nữa.
Anh có thể nói cụ thể hơn được không?
Từ chỗ tôi ở đến đài truyền hình mất 2 giờ đi xe nếu như tắc đường, bình thường thì mất khoảng 1 giờ 30 phút, lúc đó thì tôi ngồi trong xe nghe radio và cảm nhận sự khó khăn khi tắc đường… Một tuần tôi có khoảng 4 ngày như thế nên tôi không chỉ học ở trong phòng thu radio đâu. Đó là một việc mà ngày nào cũng phải làm, ngày nào cũng mang trách nhiệm, và nó rất khác với việc làm nhạc. Thật ra, âm nhạc không phải là việc ngày nào cũng có thể làm, cũng có những khoảng thời gian vô trách nhiệm không làm gì vì cái cớ là không có cảm xúc mà. Vì thế nên mình không thể biết được vui buồn của người làm văn phòng được. Bây giờ thì dù ít thôi, nhưng tôi đang trải qua những điều mà đại đa số mọi người đều làm rồi. Và hồi nhỏ thì chủ yếu là fan gửi tin nhắn đến, nhưng giờ thì không chỉ có tin nhắn từ fans nữa nên cái đó cũng rất thú vị. Cũng có những lúc tôi phải tự kiểm điểm lại bản thân.
Fandom của H.O.T. không phải là lợi hại lắm sao?
Thật ra thì fandom như thế đã xuất hiện từ trước rồi. Có Seo Tae Ji and Boys, trước đó thì có các tiền bối Fire Truck,  trước nữa thì các tiền bối Nam Jin, Na Hoon A cũng có fandom như thế. Nhưng một fandom mà được công nhận như một tổ chức và bắt đầu văn hóa Fanclub nơi các fans có thể nói lên tiếng nói của mình thì H.O.T. có lẽ là đầu tiên. Họ bắt đầu thành lập Fanclub ở công ty quản lý rồi thu hội phí và tạo ra nhiều phương thức cổ vũ riêng biệt như bóng bay.
Cậu nghĩ gì về thời gian với các fans hồi đó?
Thật ra thì tôi rất biết ơn họ; mặc dù tôi biết là họ đến vì thích chúng tôi, để cổ vũ cho chúng tôi, nhưng cũng có nhiều khi không thể tránh khỏi việc cảm thấy khó khăn về mặt thân xác. Có một lần anh Hee Jun đeo một đôi khuyên tai lớn ra ngoài, có fan đã cầm và kéo khiến anh ấy chảy máu. Dù họ có vì yêu mến chúng tôi mà đến đi chăng nữa thì trong phút chốc chúng tôi cũng đã rất tức giận. Mặc dù trải qua những tình huống tiến thoái lưỡng nan như thế, nhưng các thành viên chúng tôi đã nói chuyện với nhau và rút ra một kết luận chung. Chúng tôi không thể tính toán hết được mà. Mặc dù fan có làm những hành động quá khích như thế với chúng tôi nhưng chúng tôi cũng phải hiểu cho họ ở một mức nào đó.
Trong số năm thành viên thì Kangta có vẻ đối rất tốt với fan...
Theo ý kiến của tôi thì tôi thấy mình đã đối xử tốt với họ, nhưng cái đó phải nghe fan nói mới được chứ (cười). Bây giờ thời gian đã trôi đi rất lâu rồi nhưng các fan chín chắn khi nghĩ về hình ảnh tôi ngày đó thì vẫn có nhiều người nói rằng tôi vô tâm. (Có vẻ như giống với hình ảnh trai đô thị lạnh lùng). Nhưng tôi làm vậy không phải vì thế (cười) mà là do hồi đó còn nhỏ và có hơi sợ người lạ..
Trong H.O.T. thì mỗi người có một hình ảnh riêng, Moon Hee Jun đảm nhận hình ảnh vui vẻ, Tony An là dễ thương, Lee Jae Won và Jang Woo Hyuk thì lần lượt là em út cao kều và quyến rũ. Cảm giác như thế đúng không?
Vâng là hình ảnh như thế đó (cười). Bây giờ fans đã hiểu những điều cần phải hiểu rồi. Nhưng trước đây họ muốn tụi em phải ở trong cái khung mà họ muốn và mãi mãi là Idol. Thật ra thì khi hoạt động trong nhóm, điều đó không lộ ra rõ lắm. Vì cả 5 người dù có làm ra âm nhạc thế nào thì đại thể cũng sẽ có những bài hát hợp với gu của họ. Nhưng sau khi tan rã và tôi phát hành vol 1 với Polaris và những bài hát chậm mang hơi hướng Jazz thì fans lại không đón nhận lắm.
Họ mong các cậu mãi mãi là idol?

Vâng. Họ vẫn mong tôi đứng trên sân khấu và có những màn biểu diễn hoành tráng, vẫn mong tôi nhìn trẻ hơn và hành động giống trẻ con hơn. Nhưng hồi đó tôi đã có một suy nghĩ rất chắc chắn là “Nếu một mình mình hoạt động thì mình sẽ làm âm nhạc như thế này...” Tôi muốn thoát khỏi mác idol, thoát khỏi hình ảnh tuổi teen… Tất nhiên giờ thì mọi chuyện đã ổn rồi. Bây giờ thì các fans cũng đã theo tôi được tầm hơn 15 năm rồi nên về mặt âm nhạc thì dù tôi có làm gì họ vẫn rộng lượng ủng hộ.

http://www.izm.co.kr/photo/Interview/2017-07/%EB%B3%B8%EB%AC%B82_2.jpg
Mới đó mà H.O.T. đã được 21 năm rồi. Sechskies hoạt động cùng thời thì gần đây cũng đã trở lại, S.E.S cũng đã phát hành album kỉ niệm 20 năm. Gần đây thì những idol hồi 1990 đang có xu hướng trở lại rất nhiều.
Trước tiên thì dòng chảy tiêu thụ văn hóa đã mở rộng đến lứa tuổi 30 nên làn sóng phục cổ trỗi dậy và mọi người lại yêu thương lại những thứ ngày trước, và thị trường cũng được thừa nhận phần nào nên đó là một việc rất đáng mừng. Nhưng đối với sự tái hợp của H.O.T. thì tôi một nửa là cực kì muốn làm, một nửa là lo sợ. H.O.T. không phải là một nhóm mà một mình tôi có thể tạo nên, cũng không phải là nhóm mà chỉ 5 thành viên tạo nên. Tất nhiên là có phần của các thành viên và công ty chủ quản, nhưng tôi nghĩ là văn hóa Fandom lớn cũng góp phần tạo nên dòng chảy thời đại. Vì tôi nghĩ rằng đó là kết quả của tất cả những yếu tố trên cộng lại chứ không chỉ khả năng của chúng tôi nên chỉ cần còn những người vẫn còn nhớ thời gian đó thì chúng tôi vẫn có thể đứng trên sân khấu lại một lần nữa!
Bạn lo sợ điều gì?
Khi cả 5 người tái hợp và cùng đứng trên sân khấu thì lần thứ 1 chúng tôi có thể hồi tưởng lại quá khứ và cảm động. Nhưng sau đó, tôi lo sợ về lần thứ 2. Sau đó mình phải làm gì tiếp? Chúng tôi liệu có thể nhảy những điệu nhảy mạnh mẽ như trước không? Kể cả có nhảy được thì nếu như chúng tôi nhảy y như trước đây, có thể là cũng hay đấy, nhưng làm sao có thể làm vừa lòng những người muốn thấy âm nhạc xu hướng hay những điệu nhảy mạnh mẽ ngày nay. Trước tiên thì tôi có những lo sợ như thế…
Chúng ta cùng trở lại thời H.O.T. nào. Lúc đầu khi các thành viên tụ hợp lại thì mang suy nghĩ như thế nào? Có phải là vì muốn làm nhạc không?
So với bây giờ thì suy nghĩ đó là trên 60%, tầm hơn nửa đó (cười). Thể loại âm nhạc đầu tiên tôi tiếp xúc không phải là hiphop hay âm nhạc của người da đen mà là rock như Metallica hay Guns N' Roses. Tôi có nghe Simon And Garfunkel trước đó. Thế nên là cho đến tận năm lớp 7, lớp 8 tôi vẫn nghĩ nếu không phải là rock thì không phải là âm nhạc. Lúc đó có cả band nhạc trong trường nữa, và thứ âm nhạc tôi muốn làm cũng là rock, thứ nhạc cụ đầu tiên tôi sờ đến không phải là piano mà là guitar. Hồi cấp 2 tôi có đi làm thêm và để dành được 200.000won rồi đi đến khu mua sắm Thiên đường để mua một bộ âm li và cây guitar Fender.
Thế cậu chuyển hướng sang hiphop và âm nhạc của người da đen từ khi nào?
Lý do là vì Boyz 2 Men. Khi tôi học lớp 8 thì 'End of the road' được phát hành, khi nghe bài đó thì tôi nghĩ không biết mình mà hát thì sẽ thế nào nhỉ, nên tôi viết lời ra tiếng Hàn rồi hát thử. Bạn bè tôi nghe được thì bảo là giọng tôi rất hợp với bài hát. Thế nên tôi bắt đầu tìm nghe nhiều nhạc của người da đen hơn. Và tôi cũng nghe cả hiphop nữa. Tôi bắt đầu nghe từ Naughty By Nature và Ice Cube, rồi bị cuốn hút bởi gangster rap và bị cuốn vào văn hóa nhảy… Sau đó thì tôi bắt đầu xem một nhóm nhạc trong nước là Duex.
Không phải là Seo Tae Ji and Boys?
Seo Tae Ji and Boys là một biểu tượng lớn không cần bàn nhiều nữa mà. Đối với chúng tôi thì Seo Tae Ji and Boys nhất định là người có độ nổi tiếng lớn nhất, giống như là Shin Seung Hoon là biểu tượng của ballad vậy. Mặc dù tôi cũng thích nhạc của Seo Tae Ji and Boys, nhưng nhạc của Duex có nhiều chất hiphop hơn và cũng có nhiều thứ tôi muốn xem và học hỏi. Giống như kiểu nhạc Shin Seung Hoon thì rất hay nhưng nhạc Lee Seung Hwan có cảm giác gì đó gần gũi hơn với chúng ta (cười). Dù sao thì tôi cũng đã được tuyển chọn trong thời gian đó... Hơn nữa, thật ra thì lúc đầu khi mới ra mắt, chúng tôi không có nhiều quyền lên tiếng mà. Nhưng một điều khiến tôi vui mừng là chúng tôi nhận được bản demo của bài hát ra mắt “Warrior’s Descendants”, và đó chính là gangster rap, có cảm giác của Cypress Hill. Tất nhiên là chúng tôi cũng bị phê phán nhiều vì nó nhưng khi còn nhỏ và nhận được bản demo này thì trong nước không có mấy bài hát như thế này mà, tôi đã rất thích nó.
Như anh vừa nói, hồi đó không phải là có nghi ngờ đạo nhạc sao. Mặt khác thì có chỉ trách rằng H.O.T đã lợi dụng việc Seo Tae Ji and Boys tan rã. Không phải lúc phát hành WD đúng là lúc Seo Tae Ji and Boys tan rã hay sao?  Seo Tae Ji là Warrior, còn H.O.T từ một công ty quản lý ra lại là Warrior’s Descendant nên có người phê phán rằng đó là chiêu marketing lợi dụng khoảng trống mà Seo Tae Ji để lại.
Lúc đó những người trong nước thích nghe gangster rap hay hiphop thì đều biết rằng mẫu của các bản gangster rap đều tương tự nhau, có những nghệ sĩ gangster rap như là Dr. Dre, Warren G, Cypress Hill, đi sâu hơn nữa thì có Bone Thugs-n-Harmony, đại bộ phận những line của họ đều giống nhau. Và vài năm sau, khi được tiếp xúc với MIDI thì tôi mới biết, thật ra thì base loop (*những đọan nhạc được sọan sẵn, do được pha trộn bởi rất nhiều những sounds, những nhạc cụ lạ. Kết hợp một cách ngẩu nhiên nhưng có chu kỳ về thời gian) của 'Come back home' và WD đều được xây dựng dựa trên một loop trong một CD mẫu mà những nhà soạn nhạc gangster rap hồi đó rất hay dùng dù cho họ có khác công ty. Vì hồi đó chỉ có mấy bài ra gần giống nhau như thế này nên bắt buộc chúng tôi phải nghe những lời đó thôi. Lúc đó tôi đã nghĩ đó là xu hướng. Lần đầu khi nhận được ca khúc đó thì hơn cả suy nghĩ “Không phải cái này giống với tiền bối Seo Tae Ji quá sao?”, thì tôi lại nghĩ “Tiền bối Seo Tae Ji đã hát Come back home rồi, những đứa học sinh như tụi mình cũng có thể hát thứ âm nhạc như thế nhỉ”.
Thì ra anh thích Warrior's Descendants nhỉ?
Chúng tôi đều rất thích!
Sau đó thì có những bài hit đại diện cho H.O.T. như là Candy, Wolf and sheep, Iyah, Line up, Hope, Outside Castle. Những bài hát đó không còn là lời của lứa tuổi teen thụ động trong lớp học hay than trách về những lời sai khiến của bố mẹ, mà nó đại diện tuổi teen nói lên ý kiến của mình một cách đường đường chính chính, thỉnh thoảng cũng là tiếng nói công kích có vẻ như phản kháng. Thế nên là âm nhạc của H.O.T. hơi nặng nề và cũng có nhiều thông điệp gai góc. Nhưng Hope trong Vol 3 thì lại hơi khác. Với lời lẽ rất nhẹ nhàng, nó động viên giới trẻ và trao cho mọi người sức mạnh, nhìn một cách nào đó thì nó chính là “bài ca hy vọng (Hope song)”.
Vừa hay tựa đề tiếng Anh của nó là Hope đó ạ! (cười)
Tôi nhớ là hồi đó mình có ấn tượng rất tốt kiểu “H.O.T. phải thế này chứ”. Không phải là đào vào những cảm xúc kiểu phản kháng của giới trẻ mà là câu chuyện của những người anh kể cho tuổi teen nghe. Cái đó chính là Hope.
Thật ra hồi đó tôi có nghĩ xem là các fan thấy gì ở chúng tôi mà lại thích thì tôi thấy rằng có lẽ các fan thích hình ảnh của WD, Wolf and Sheep, We are the Future. Khi nhìn cái đó dưới con mắt thương mại hoặc là ngoại hình thì đặc biệt là những học sinh nữ hay những học sinh nam nhỏ tuổi chắc là rất thích chúng tôi, có thể thích một cách tích cực. Thông qua những cái đó, chúng tôi nhìn có vẻ mạnh mẽ hơn và mang hình tượng như chiến binh của những cô cậu thiếu niên thiếu nữ tuổi teen, nên tôi nghĩ là nếu như chúng tôi hấp dẫn mọi người với hình ảnh đó thì cũng phải trao cho mọi người sự an ủi và vui vẻ. Thứ mà có thể khiến mọi người cười. Không phải là những thứ khiến người ta phải thốt lên “Ồ ngầu quá” hay phải suy nghĩ sâu xa, mà là thứ âm nhạc nhẹ nhàng có thể nghe ngay cả khi học bài. Khi mà nghe Iyah thì mọi người phải suy ngẫm rất nhiều mà. Nếu là người có thiện cảm với H.O.T. thì họ cũng sẽ muốn xem cả hình ảnh nữa. Mặc dù có cả Candy hay Happiness nữa, nhưng Hope là một bài hát do chính tay nhóm tạo nên với suy nghĩ làm ra thứ âm nhạc nhẹ nhàng.
Candy hay Hope đến giờ vẫn còn sống mà. Nói thật là hơn WD, Iyah hay Line up đó.
Đó là vinh dự của tôi (cười).

http://www.izm.co.kr/photo/Interview/2017-07/%EB%B3%B8%EB%AC%B83_2.jpg
Bây giờ vẫn còn rất nhiều người tò mò làm thế nào mà bài Hope do thành viên Kangta sáng tác lại được chọn làm bài chủ đề?
Thầy Lee Soo Man đã từng nói: "Việc học làm nhạc cũng tốt, nhưng tôi mong các cậu biết được rằng, ca sĩ là người hát các ca khúc. Nếu các cậu viết ra được bài hát hay, tất nhiên là sẽ được đưa vào album. Nhưng nếu như viết ra những bài không hay bằng các nhạc sĩ chuyên nghiệp khác thì chắc chắn sẽ không được dùng. Mà giờ thật ra các cậu mới bắt đầu được 1, 2 năm, làm sao mà sáng tác ra được những bài hay hơn nhạc sĩ chuyên nghiệp được? Tôi mong các cậu không bớt thời gian tập luyện hát và nhảy để sáng tác rồi lên sâu khấu với hình ảnh không chuyên nghiệp mà lại nói rằng bài đó là mình sáng tác trông cho ngầu. Âm nhạc là thứ phải thích thì mới làm." Vì thế nên thầy không giúp đỡ chút nào cho hoạt động sáng tác của chúng tôi.

Vậy thì cậu đã bắt đầu sáng tác như thế nào?

Tất cả các thành viên của chúng tôi đều được nhận lương sau khi kết thúc hoạt động của Vol 1. Đó là ngày 16/11/1996, tôi vẫn còn nhớ ngày tháng và số tiền đó. Chúng tôi ra mắt vào tháng 9, và đó là số tiền chúng tôi nhận được chỉ hai tháng sau khi ra mắt, lúc đó mỗi người chúng tôi nhận được hơn 10.000.000won. Lúc đó đó là một số tiền rất lớn. Kể cả bây giờ cũng vẫn là lớn. Lúc đó tôi đã mua các máy móc cần thiết, máy MIDI và máy tính Macintosh (một loại máy tính đề làm nhạc). Chỉ có sampler là tôi không mua được. Tôi có những thứ đến trước bước sampler và dùng những thứ đó để viết nhạc, 1 năm sau, tầm khoảng thời gian tôi viết Hope thì tôi nhận được lương lần thứ 2 và đã mua sampler. Lúc đầu khi chúng tôi sáng tác thì thầy không lắng nghe kiểu quan tâm đâu. Nếu chúng tôi có mang ca khúc mình đã sáng tác đến thì thầy cũng chỉ nói “Được rồi, vì các cậu viết nên tôi sẽ nghe thử. Nhưng mà làm sao mà dùng được cái này?” Và một năm trôi qua như thế.
*MIDI (Musical Instrument Digital Interface - Giao diện kỹ thuật số dành cho nhạc cụ) là chuẩn công nghiệp về nghi thức giao thông điện tử định rõ các nốt âm nhạc trong nhạc cụ điện tử như là bộ tổng hợp chính xác và ngắn gọn, để nhạc cụ điện tử và máy tính trao đổi dữ liệu, hoặc "nói", với nhau. MIDI không truyền âm thanh – nó chỉ truyền thông tin điện tử về một bản nhạc. MIDI có thế được sử dụng cho các mục đích khác, nhưng mục tiêu ban đầu cho việc phát minh MIDI vẫn là phục vụ cho âm nhạc. Chuẩn MIDI bao gồm 3 thành phần: Giao thức (protocol), Phương tiện kết nối (connector) và Dạng tập tin lưu trữ tiêu chuẩn (standard MIDI file).
*Sampler: là hộp sound thật, Sampler được dùng để thay thế cho tất cả các Sound điện tử. vì sound điện tử tạo ra những âm thanh nhạc khí không trung thực, giả tạo, ngược lại với sampler có khả năng tạo ra những âm thanh trực tiếp từ các nguồn âm với chất lượng âm thanh trung thực và chính xác…
Anh nói là anh viết Hope trước khi làm vol 3?
Tôi đã viết trước rồi. Tôi viết từ hồi vol 2, nhưng dưới cái nhìn của thầy Lee Soo Man thì đều là đồ bỏ mà. Nhưng tôi có thu âm một vài bài vào mini disk rồi để trên bàn thầy và đi. Một hôm tôi bảo thầy là: “Hôm nay em cũng viết một bài mang đến, thầy nghe thử không ạ?”, thì thầy nói như mọi khi “Cậu bật lên thử đi”. Lúc đó tôi mở Hope thì thầy bảo mở lại lần nữa đi, và nói rằng bài này có thể cho vào album. Thầy cứ nghe đi nghe lại rồi gọi riêng tôi ra và căn dặn tỉ mỉ và bảo tôi lấy đó làm căn cứ để làm lại bản demo và mang đến. Giai điệu của bài này được viết trên hợp âm của phần hợp xướng trong bản giao hưởng số 9 của Bethoven nên thầy nói nếu cho phần nhạc đó vào giữa thì có thể dùng bài này làm bài chủ đề được, và tôi đã mang về để sửa lại.
Giám đốc thích phần nào trong bài hát vậy? Có phải là phần Chorus không?
Vâng, là đoạn điệp khúc “Mình hãy cùng nắm lấy tay nhau và cùng nhìn lên bầu trời kia”. Thế nên thầy nói là thầy cứ nghe đi nghe lại đoạn đó. Mặc dù bài hát rất hay nhưng để làm bài chủ đề thì nó vẫn còn thiếu gì đó, thầy nghe lại và nghe tập trung vào phần điệp khúc thì thấy phần đó rất hợp với dàn nhạc dây. Thế nên tôi đã làm lại phần nhạc dây và thêm giai điệu bằng kèn oboe vào đó thì khi nghe lại tôi thấy nó khác hoàn toàn, dù chỉ sửa có một chút như thế thôi. Tôi cũng thêm một phần rap vào trên đó. Qua quá trình đó thì Hope lần đầu được hình thành, vì thế nên thầy nói: “Này, giờ tôi phải từ từ nghe hết tất cả các bài các cậu viết mới được!” Và thế là trong vol 3 đều có những bài mà các thành viên sáng tác. Tôi có 3 bài trong đó.
Khi bài hát cậu viết được phát trên radio chắc cậu vui lắm!
Nói thế nào nhỉ… Lúc trong phòng sáng tác thì tôi chỉ làm tung tăng như kiểu đang chơi đùa thôi. Khi mà bài hát đó được giới thiệu thông qua truyền thông thì tâm trạng tôi rất kì lạ. Không phải là cảm giác vui sướng mà là “Cái này phát ở đây có được không?” (cười) Thậm chí lúc 5 người chúng tôi hát bài hát đó trên sân khấu, tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ “Không biết làm như thế này có được không?” trong 2 năm liền.
Khi nào thì anh học phép hòa âm và counterpoint?
*Counterpoint hay còn gọi là đối âm là một trong những khái niệm khá phức tạp trong âm nhạc, Counterpoint được áp dụng không những với vocal mà còn rất nhiều trong khí nhạc. Việc nắm vững Counterpoint sẽ làm cho bài hát hoặc bản phối của bạn mang nhiều màu sắc cũng như mới lạ hơn so với cách bè thông thường. Tìm hiểu thêm ở ĐÂY!
Counterpoint thì trái lại đến khi bắt đầu solo thì tôi mới học. Vì lúc đó bắt đầu dùng nhiều nhạc cụ dây nên tôi bắt đầu học, còn lúc đầu thì tôi chỉ học về hợp âm và hòa âm thôi. Hồi nhỏ thì tôi có học về nhạc phổ và cách tiến hành hợp âm ở một học viện guitar. Đến trước khi ra mắt thì tôi bị cuốn vào đàn phím nên đã học tiến hành hợp âm đàn phím và học hòa âm. Tôi không theo học về hòa âm riêng mà chỉ học theo sách “Lý luận âm nhạc đại chúng”. Trong sách đó có từ cách hòa âm cơ bản cho đến cách tiến hành hợp âm, là một quyển sách rất dày và tôi học trong đó. Sau đó tôi ra mắt với H.O.T., có khoảng 1 năm tôi dừng việc học nhạc mà chỉ tập trung hoạt động, rồi sau đó thì có mua các thiết bị về và làm theo quyển sách “Lý luận âm nhạc đại chúng” đó.
Bây giờ thì dường như nhắc đến nhạc của Kangta là người ta sẽ nhắc đến Hope đầu tiên vậy.
Vâng, có rất nhiều bài hát solo hay bài hát tôi viết cho các ca sĩ khác ra sau này mọi người đều không biết đó là do tôi viết.
Nhân cơ hội này thì anh giới thiệu một vài bài anh đã viết đi!
Những bài thời H.O.T. như Hope, We can do it, ngoài Hope ra thì những bài khác đều không phải là bài chủ đề. Nhưng những album solo của tôi thì bài chủ đề đều là do tôi sáng tác. Những bài viết cho các ca sĩ khác thì có Waiting của BoA, Doll của Lee Ji Hoon và Shin Hye Sung, For you của Lee Ji Hoon, Endless sorrow của NRG. Gần đây thì tôi có sản xuất âm nhạc cho drama That winter the wind blows của đài SBS và đã viết And one của Tae Yeon. Tôi sản xuất 7 bài cho phim thì trong đó có 2 bài tôi sáng tác.

http://www.izm.co.kr/photo/Interview/2017-07/%EB%B3%B8%EB%AC%B84_1.jpg
Vậy khi đó lý do cậu thường xuyên đến phòng thu ở Kangnam là gì?
Thời H.O.T. thì khi tôi viết nhạc bằng MIDI, hầu như tôi không dùng nhạc cụ diễn tấu thật. Vì tôi cảm thấy có gánh nặng. Khi mà dùng diễn tấu thật thì tôi có cảm giác như đang mượn tay người khác vậy. Nhưng thật ra thì những người làm nhạc giỏi tất nhiên cũng dùng diễn tấu thật mà. Và lúc đó thì dù chúng tôi có viết nhạc cũng không có ai tin tưởng cả. Trong giới người ta còn nghĩ là có người viết hộ cho chúng tôi. Một lần khi chúng tôi đã thành người lớn và đi uống rượu thì có tình cờ gặp một người làm nhạc. Người đó hỏi tôi là “Cậu bảo là cậu viết Hope đấy hả?” Rồi người đó nói như kiểu hiển nhiên: “Cậu chỉ chỉnh lý phần giai điệu thôi chứ gì?” Thế là tôi bảo mình đã làm hết phần sáng tác bằng MIDI, thì người đó lại kiểm tra tôi: “Thế cậu có dùng sequencer* không? Thu tiếng trống bằng cách nào? Có dùng sampler không?” Sau khi kiểm tra tất cả những thứ đó thì người đó mới tin rằng đúng thật là tôi viết. Vì có rất nhiều tình huống như thế này nên từ thời vol 3 đến vol 5 tôi cũng có bắt đầu chú ý đến diễn tấu thật. Và tôi dần nhận ra rằng dùng diễn tấu thật cũng không phải là vi phạm việc sáng tác. Vì đó chỉ là việc các nhạc công nghe file nhạc tôi làm bằng MIDI rồi diễn tấu lại thôi. Có một lần một nghệ sĩ piano tôi biết thu âm lead sound cho album piano, và có thu cả trống và four rhythm, và thu âm một bản fushion jazz. Người đó nói rằng nếu đến vào hôm đó thì tôi có thể học được những thứ cơ bản. Thế là tôi đến và học từ việc thu âm trống, bass rồi đến việc chỉnh lý nhạc phổ. Khi đó tôi vừa tròn 20 tuổi.
* Sequencer: là một loại máy thâu và phát tín hiệu digital thông qua Midi Input và Midi Output. Sequencer còn được coi như một máy digital recorder. Sequencer tự nó không có âm thanh, muốn nghe những gì mình đã thâu hoặc chuyển vào sequencer, bạn phải nối midi output của sequenser với midi input của một hoặc nhiều Sound module. Sequencer có thể là một hộp nho nhỏ riêng biệt (hardware, stand alone), có thể là một board điện tử nằm trong một đàn KB (build in), nhưng hiện nay người ta thích dùng Sequencer Software, được gắn (install) vào Computer, thí dụ Cakewalk, Sonar, Cubase..v..v..
Ngoài việc học về cảm giác diễn tấu thật thì còn gì nữa không?
Tôi có học cả về các máy móc thu âm nữa. Ở nhà tôi chỉ có máy MIDI thôi nên tôi muốn xem cả những thứ ở phòng thu âm như thế này nữa. Thời H.O.T thì tôi không có concert với ban nhạc, nhưng tôi nghĩ là khi solo thì phải làm concert với band nhạc và đã bắt đầu học từ phòng thu âm. Thế là tầm 2 tháng sau đó, cứ mỗi lần người tôi biết có lịch thu âm thì tôi lại đến nếu thời gian cho phép, tôi xem xét và học hỏi.
Thời H.O.T. thì lúc nào là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cậu?
Thời cấp 2 thì tôi có thu âm những lúc hát karaoke và ghi hình lại những lần mình nhảy cùng các bạn để mang đi chỗ này chỗ kia thi tuyển. Tôi cũng có đến cả Jigu Record vì tôi rất thích Duex, thích cả tiền bối Yoon Sang nữa. Nhưng tôi đã không được liên hệ lại. Khi học lớp 9 thì chúng tôi nhận là ra “À, tại vì tụi mình còn nhỏ quá.” Lúc đó đang định từ bỏ thì khi đang đi trên đường, tôi có nhận được một danh thiếp của SM. Hồi đó SM có Hyun Jin Young và Yoo Young Jin nên tôi đã rất hồi hộp. Và hồi đó với chúng tôi thì Lee Soo Man cũng là một ngôi sao, là một MC trên truyền hình. Vì thế nên chúng tôi thấy đây là một công ty đáng tin và tìm đến đó để thi tuyển, nhưng chỉ có tôi là đỗ. Thật ra thì thời gian từ lúc xác định đủ 5 thành viên và luyện tập của H.O.T. chỉ được chưa đầy 1 năm. Tính cả thời gian thi tuyển nữa là tầm 1 năm 7, 8 tháng. Lúc hạnh phúc nhất chính là lúc tôi nhận được album đầu tiên. Khi nhận được album đó, tôi đã nghĩ đến quãng thời gian 3, 4 năm khổ sở trước khi ra mắt. Đó là niềm hạnh phúc không thể đánh đổi bằng thứ gì khác.
Bài hát nào cậu thích nhất thời đó?
Tôi thích nhất là Iyah. Cho đến vol 3 thì có những phê phán là chúng tôi hay bắt chước, thậm chí vượt qua bắt chước là đạo nhạc của Rage Against The Machine, Cypress Hill. Chúng tôi biết hết những điều đó. Không hiểu sao những lời này lọt đến tai chúng tôi nhiều hơn những lời nói tốt. Các fan vẫn hay nói tốt, nhưng những lời chê thì rất là đa dạng. Nhóm này bây giờ nổi thế, liệu cái hướng mà họ đang kéo cả nền âm nhạc theo có đúng hay không, bài hát cũng đạo nhạc thì cần gì luận về mặt âm nhạc nữa, thậm chí chúng tôi còn nghe thấy một DJ đã nói trên chương trình trực tiếp rằng: “Đúng là chắp vá nhiều bài hát của các nhóm khác nhau quá nhỉ”. Vol 4 đã được ra đời trong làn sóng buộc tội đó, chúng tôi đều mong rằng album lần này sẽ không vướng phải chuyện như thế nữa. Thật may là không có chuyện như thế xảy ra nữa, và lần đầu tiên chúng tôi nhận được đánh giá rằng đó là một tác phẩm cao cấp hòa trộn rất tốt giữa âm nhạc cổ điển, hiphop và hardcore. Vì thế nên tôi thích bài này nhất.
Cậu có coi Sechskies là đối thủ không?
Những nhóm nhạc idol đến giờ vẫn như thế mà. Nếu như có nhóm cùng độ tuổi với mình và hát thứ nhạc gần giống thì tất nhiên là sẽ phải lo lắng. Lúc đó vì tuổi còn nhỏ nên dù có nổi tiếng đến đâu thì khi xem TV và thấy các anh bạn đó xuất hiện trên TV thì chúng tôi đều thấy họ trông tuyệt hơn mình. Không nói về khía cạnh âm nhạc thì những anh bạn đó trông rất ngầu, cũng cao hơn và đẹp trai hơn chúng tôi nữa. Nhưng nói thật là có một điều chúng tôi đã tự phụ là “Không phải xét về những bài nhạc có rap thì mình hơn họ à?” Nhưng mà giọng của Sung Hoon rất là đẹp. Tôi đã định là sẽ cạnh tranh bằng kỹ thuật giọng hơn là chất giọng. Trường hợp Sung Hoon thì khi mix nhạc, giọng cậu ấy nổi lên đằng trước. Giọng tôi thì thường được đẩy lùi ra đằng sau và sử dụng kỹ thuật vang âm cho nó thần bí, nhưng giọng cậu ấy thì kể cả có nghe trong ô tô cũng thấy rất thoải mái. Hồi đó chúng tôi có nói là “Tụi em là đồng nghiệp, đối thủ của tụi em chỉ là chính tụi em thôi”, nhưng thật ra trong lòng thì cũng rất bất an. Bây giờ thì những idol hậu bối cũng luôn luôn bất an như thế. Cái đó có lẽ sẽ là điều không bao giờ thay đổi.
Khi ra solo thì sao cậu lại tập trung vào ballad? Có phải là do tính âm nhạc không?
Trước khi ra mắt thì em đã thích rock, nhưng từ vol 3 thì em có viết những bài ballad và những ca khúc tươi sáng, vol 4 và vol 5 thì có viết cả nhạc về tình yêu. Vì thế nên khi nhìn vào cảm xúc của tôi thì tôi nhận ra là mình thích những ca khúc chậm và trữ tình. Tôi có thích Warrant và thích bài Cherry pie của họ, nhưng vì họ có Let in rain nên tôi mới thích họ, lý do thích Quiet Riot và Queen cũng là vì thế. Trong tôi cũng đã có những mặt cảm xúc như thế.
Những thứ lãng mạn và giàu giai điệu?
Vâng, ngoài những thứ như nhịp điệu thì tôi cũng thích mặt đó nữa. Vì thế nên khi ra solo tôi muốn làm thứ âm nhạc đó. Nói thêm ở đây, sau khi H.O.T. tan rã, tôi đã suy nghĩ cách để mình được công nhận về mặt âm nhạc, nên tôi đã dùng jazz trong album. Lúc đó tôi không có nhiều kiến thức về jazz như thế, chỉ là thích nghe Standard pop, hoặc 'Kissing a fool', < Songs From the Last Century > của George Michael thôi. Vì bài chủ đề không thể dùng nhạc jazz được nên tôi nghĩ là dùng ballad là những bài trong album thì sẽ làm sao cho toát lên được tính âm nhạc. Mọi người xung quanh phản đối ghê lắm. Mọi người bảo H.O.T. gì mà lại hát jazz, công ty thì nói là làm thế có phải quá đáng lắm không. Lúc đó tôi đã tìm đến giáo sư Jung Won Young, tôi nhờ thầy viết cho một ca khúc jazz và thầy đã rất ngạc nhiên. Thầy hỏi tôi tại sao lại định hát nhạc jazz, hỏi tôi có thích jazz hay không, nhưng thầy vẫn rất tốt với tôi. Nhưng khi nhìn lại thì ý đồ khi đó của tôi thật sự là không trong sáng. Lúc đó thì ngoài ca khúc jazz của thấy Jung Won Young thì cũng có những bản jazz của những nhạc sĩ khác nữa, nhưng giọng tôi đi với jazz thì thật là hỏng hết, đến mức tôi phải đỏ cả mặt. Lúc đó tôi nghĩ là nếu cho jazz vào thì mọi người chắc sẽ công nhận khía cạnh âm nhạc của mình thôi nên mới cho vào, nhưng sau đó tôi trở nên thích jazz thật sự và đã thấy rất xấu hổ!
Sau đó tôi có thấy bìa vol 3 cậu cởi áo ra khiến tôi rất ngạc nhiên. Lúc đó thì khoe cơ bắp đã rất thịnh hành.
Cái đó là vào 2005, và từ 2004 thì khoe cơ bắp đã thịnh hành rồi, do hồi đó Kwon Sang Woo có đóng Once Upon a Time in High School. Vol 2 thì có khuôn mẫu giống vol 1. Nên khi làm vol 3 tôi đã có một suy nghĩ mà cho đến giờ nghĩ lại thì đúng là hồi đó mình rất ngạo mạn: “Đến mức này thì không phải là mình đã được công nhận về mặt âm nhạc rồi hả? Thế nên là lần này làm gì trông ngầu chút đi nhỉ!” Nghĩ thế nên tôi làm ra bài Persona và bìa album cũng không làm kiểu nhiều cảm xúc nữa mà tôi muốn làm trông thật ngầu nên đã tập như kiểu bị nghiện và chăm chút cơ thể rồi nhờ thầy Kim Joong Man chụp ảnh cho (cười). Mặc dù cũng có ballad, nhưng tôi cũng đã chuẩn bị thứ âm nhạc mà có thể biểu diễn được trên nền RnB, những ca khúc như Persona hay Paralysis. Từ lúc này thì tôi giảm hoạt động lại và bắt đầu thường xuyên đi Trung Quốc.

http://www.izm.co.kr/photo/Interview/2017-07/%EB%B3%B8%EB%AC%B85_2.jpg
Anh nhận xét như thế nào về hoạt động ở Trung Quốc?
Bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy nó như một sự đầu tư. Không phải là đầu tư cho một Kangta làm nhạc mà là đầu tư tổng thể về mặt làm giải trí, đầu tư trên cương vị một người giữ chức danh giám đốc của SM Entertainment. Thông qua những thử nghiệm mà tôi trải qua thì những hậu bối của tôi khi sang Trung Quốc hoạt động sẽ có thể hoạt động thuận lợi thông qua SM China và không phải qua thử nghiệm nào nữa.
Đây đúng là một khía cạnh kinh doanh nhỉ?
Đúng vậy,  cái đó là bắt buộc rồi, không thể tránh được điều đó. Nên khi hoạt động nhiều ở Trung Quốc thì tôi có một đắn đó là “Mình liệu còn phải là người làm âm nhạc không?” Có một khoảng thời gian tầm 5 năm tôi không có bất kì một hoạt động âm nhạc nào.
Anh đi Trung Quốc được bao nhiêu năm rồi nhỉ?
Tôi đã bắt đầu đi từ năm 2001 rồi, nhưng từ 2004 là tôi hoạt động chính thức luôn. Năm 2008 thì tôi nhập ngũ, rồi khi xuất ngũ thì lại đi rất nhiều. Sau khi xuất ngũ thì mọi người thường vội vàng mà. Lúc đó tôi đã nghĩ là “Bây giờ ở Hàn Quốc thì công chúng đã quên mình nhiều rồi, vậy thì hơn cả việc là giám đốc của SM và đi tiên phong thì việc của mình bây giờ không phải là chỉ dẫn cho các hậu bối con đường đúng đắn với tư cách là tiền bối à”. Và đó chính là về thị trường Trung Quốc. Tôi nghĩ là vì ở Trung Quốc mọi người vẫn coi tôi là một ngôi sao đang hoạt động nên tôi sẽ trải nghiệm nhiều thứ ở đó, sau đó làm thành một danh mục và những hướng dẫn cụ thể.

Nói đến H.O.T. thì không thể bỏ qua buổi concert ở Nhà thi đấu quốc gia Bắc Kinh đã làm dậy sóng dư luận trong và ngoài nước vào tháng 2 năm 2000 được. Vì đây chính là khoảnh khắc những chàng trai đó trở thành người dẫn đầu của một chuyển đổi mang tính quyết định. Ngay sáng hôm sau một tờ báo của Bắc Kinh đã ra một bài báo đặc biệt nói rằng đó là một sân khấu từ những vị “tiểu hoàng đế” của lứa tuổi teen với phản ứng không thể tin nổi, và đưa lên tin đầu với tiêu đề “Sự bùng nổ của Hallyu!!!” Thật ra thì album của H.O.T. đã được bán ở Trung Quốc từ năm 1998.
Lấy đây làm tiền đề thì việc H.O.T. là người mở ra thời kì bùng nổ quan tâm về văn hóa đại chúng Hàn Quốc trong thanh thiếu niên Trung Quốc là điều không thể chối cãi. Sau đó những ca sĩ khác của nước ta như An Jae Wook, Baby VOX, NRG… đã sang Trung Quốc và biến Hallyu thành một danh từ phổ biến mà ai ai cũng biết. Từ năm 1999 thì chính phủ đã quyết định dùng từ Hallyu để quảng bá chính thức âm nhạc đại chúng của nước ta ra nước ngoài. Kangta đã nhìn lại thời kỳ đó và bày tỏ mong muốn những idol hậu bối sẽ coi Hallyu như một việc khẩn thiết chứ không phải là điều hiển nhiên.
Có điều gì anh đạt được khi hoạt động ở Trung Quốc?
Mặc dù cũng có thứ về âm nhạc, nhưng lấy âm nhạc làm cột trụ thì việc tôi làm mở rộng ra cả lĩnh vực giải trí mà. Tôi nghĩ là sau khi hoạt động ở Trung Quốc 10 năm, tôi đã có thể dùng những hoạt động đa dạng đó như một bàn đạp. Tôi quan sát được rất nhiều xu hướng ở thị trường Trung Quốc về khuynh hướng hoạt động của nghệ sĩ mà khán giả muốn hoặc bước đi tiếp theo về hướng quảng bá, giải trí hoặc phim ảnh của những nghệ sĩ lấy âm nhạc làm cột trụ. Dù sao thì vì tôi là giám đốc của một công ty giải trí lớn nên có những thứ mà tôi có thể hướng dẫn những hậu bối của tôi. Và bây giờ mặc dù thị trường có bị tắc lại do vấn đề chính trị, nhưng tôi tin là ngày thị trường Trung Quốc làm thế giới phải lung lay sẽ đến trong khoảng ít nhất là 15 năm nữa.
Trung Quốc không phải là mục tiêu cuối cùng của giám đốc Lee Soo Man sao?
Nhưng đi rồi mới thấy, tôi nhận định rằng ngày mà sự chú ý cho Hollywood hay Billboard chart chuyển về đây sẽ không còn xa nữa, mặc dù ở Mỹ thì bảng xếp hạng của Mỹ vẫn có giá trị. Vì thế nên khi hoạt động ở đó tôi đã suy nghĩ về vấn đề này.
Tôi cho rằng xét về mặt âm nhạc của Hallyu thì concert của H.O.T. ở Nhà thi đấu quốc gia Bắc Kinh chính là sự khởi đầu. Anh nhớ gì về buổi diễn đó?
Tôi muốn nói từ chuyện này. Năm 2013, SM có một concert ở sân vận động Olympic Bắc Kinh. Nơi đó có sức chứa 80 ~ 90 nghìn người, không phải là chỉ ở mặt ngôn luận mà thật sự vé đã bán hết nên sân vận động được lấp kín hết. Khi tôi lên sân khấu và nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi đã suýt rơi nước mắt. Bởi vì hồi chúng tôi diễn ở Nhà thi đấu Quốc gia Bắc Kinh thì sức chứa chỉ chưa được 10 nghìn người, và quy mô của buổi diễn đó là tầm 7~8 nghìn.
Nhà thi đấu nơi diễn ra concert ở rất xa Bắc Kinh đúng không?
Hồi đó Bắc Kinh vừa mới phát triển nên những sân vận động lớn đều ở những nơi đồng không mông quạnh. Vì thế nên dù địa điểm diễn có ở một nơi rất xa xôi thì cũng có 7~8 nghìn khán giả đến. Khi concert của SM ở Bắc Kinh năm 2013 kết thúc, tôi đã muốn nói điều này với những ca sĩ của chúng tôi: “Các cô cậu đừng coi việc lấp đầy sân khấu 8~9 vạn người là quá hiển nhiên. Tôi thì kể cả có lấp đầy 7~8 nghìn chỗ cũng đã là quá kì diệu rồi. Tôi thấy các cô cậu rất lợi hại, nhưng vẫn có điều tiếc nuối. Giá như mọi người hiểu được việc này hạnh phúc đến thế nào.” Khi xem buổi diễn cùng với 8~9 vạn khán giả đó, tôi đã nghĩ đến buổi diễn ngày xưa của chúng tôi ở Nhà thi đấu thủ đô năm 2000. Hồi đó tôi thấy kinh ngạc với tất cả mọi thứ. Lần đầu chúng tôi đến Trung Quốc, mà những người nói thứ ngôn ngữ khác lại hô tên chúng tôi, họ là những người không nghe hiểu được tiếng Hàn Quốc. Điều đó quá là khó hiểu mà! Những người không phải là người Hàn Quốc mà biết đến chúng tôi thì đã là một điều khó hiểu rồi. Mà lại còn đến mức sân bay đóng băng vì những fan yêu mến chúng tôi ở một đất nước mà chúng tôi chưa từng đến lần nào, những thứ này quá thần kì với tôi.
Từ lúc xuống sân bay Bắc Kinh đã như thế rồi?
Vâng, từ lúc đó ạ. Và lúc đó nhìn cảnh mọi người đeo cờ Thái cực của nước ta trên cặp tôi cũng đã rất xúc động. Họ đeo cờ Trung Quốc và cờ Thái Cực cùng với nhau và trên cặp thì đeo huy hiệu H.O.T.
Sao họ lại đeo cờ Thái Cực nhỉ? Dù có yêu mến thế nào thì việc mang cờ nước khác đến vẫy cũng không dễ dàng gì mà.
Chúng tôi cũng thấy vô cùng thần kì. Lúc đó chúng tôi nghĩ: “Nếu như thích nhãn hiệu Dolce&Gabbana thì cũng thấy lá cờ Italia ngầu, nếu thích hiphop thì sẽ thấy cờ Mỹ rất ngầu, vì mình đã thích nền văn hóa đó. Người Trung Quốc thích những thứ của Hàn thì sẽ thấy cờ Thái Cực cũng rất ngầu”. Khi đó có người trong đội casting ra hỏi người Trung về vấn đề đó, họ chỉ bảo là “Bản thân lá cờ Thái cực đã rất ngầu rồi”.
Chắc cậu cũng có lòng tự hào về việc là người truyền bá Hallyu?
Tôi đã từng có sự tự hào, và cũng từng có cả sự oán trách với những hậu bối nữa. Hồi H.O.T. tan rã tôi đã có cảm giác đó. Chúng tôi đã mở ra cánh cửa, chúng tôi cũng muốn đi vào đó và hoạt động, tận hưởng, nhưng chúng tôi đã phải tan rã ngay sau đó. H.O.T. hoàn thiện 5 người chưa bao giờ đứng trên sân khấu Bắc Kinh lại một lần nữa từ năm 2000. Mỉa mai thay là ngày đó lại là ngày chúng tôi tạo ra từ Hallyu.. Sau đó những hậu bối bắt đầu vào Trung Quốc và hoạt động chăm chỉ để Hallyu lan tỏa mạnh hơn, đó là một việc rất đáng tự hào, ghen tị và dành một tràng pháo tay cho họ đúng không? Nhưng trong khi chúng tôi đã mong muốn điều đó khẩn thiết, đã đón nhận nó với sự hạnh phúc và thần kì, thì  những người bạn đó lại vào đó một cách đương nhiên và coi đó như một điều đương nhiên, thỉnh thoảng họ còn có thái độ lạnh lùng. Thế nên mới có việc lạnh lùng với Hallyu và phản đối Hallyu. Những lúc như thế tôi đã từng thấy oán giận trong lòng.

http://www.izm.co.kr/photo/Interview/2017-07/%EB%B3%B8%EB%AC%B86_1.jpg
Giờ cậu là giám đốc của SM Entertainment rồi, cậu nhìn vào điểm nào của công ty mà lại có hướng đi như thế?
Tôi có tính sợ những thứ lạ lẫm nên tôi sợ phải đổi sang môi trường mới cùng những con người mới. Sau khi anh Hee Jun rời khỏi SM thì tôi chỉ còn lại một mình. Tôi cũng có nhận được đề nghị từ những công ty khác nhưng việc phải đi đâu đó rồi thích ứng lại có hơi… So với việc đi sang một nơi khác rồi phải thích ứng, rồi phải xây dựng lại từ đầu thì chi bằng cứ duy trì ở đây, nghĩ như thế nên tôi đã ở lại. Tôi đoán là phía công ty và thầy Lee Soo Man có lẽ là thấy biết ơn tôi vì chuyện đó nên giờ với họ, Kangta là một nghệ sĩ mà họ không chỉ nhìn vào giá trị hiện tại nữa và là một người mà công ty không cần tính toán lợi ích thiệt hơn nữa.
Đó có vẻ là sự đãi ngộ hoặc tình nghĩa với người gắn bó lâu năm nhỉ?
Chắc là hai việc đó cùng tồn tại. Người ta có xu hướng thích những thứ gắn bó lâu dài. Tôi không thể gặp nhiều người và chỉ giữ mối quan hệ hời hợt được, tôi đã quyết định là sẽ tiếp tục ở đây, và ở đây thì tôi cũng có thể tự do làm những điều mình muốn. Tôi không nhất thiết phải làm theo phương châm của công ty, mặc dù cũng có những lúc tôi làm cho công ty những thứ họ muốn với cương vị là giám đốc, nhưng cũng không phải là ngày nào tôi cũng phải đến công ty. Thật ra là vì thế nên công ty mới để tôi là giám đốc danh dự. Công ty có một chính sách là không để nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật. Dù sao thì, vì thế nên một trong số những thứ tôi muốn làm là tạo ra động cơ cho những bạn ở gần tôi nhất, ví dụ như DBSK, Super Junior, SHINee, đặc biệt là những người như Lee Teuk của Super Junior. Mọi người có thể nghĩ là “Anh đó làm việc như thế trong công ty nên nhận được sự tôn trọng từ công ty, và nếu được công ty tôn trọng thì cũng sẽ có sức mạnh như thế với bên ngoài.” Đó là một suy nghĩ rất hạnh phúc mà.
Năm ngoái cậu có phát hành “Home Chapter 1”, thế thì bao giờ sẽ ra Chapter 2?
Bây giờ phải phát hành chứ. Khi làm radio thì tôi được nghe những bài hát nổi tiếng bây giờ và đã tự đặt ra câu hỏi là “Bây giờ mình phải theo đuổi thứ âm nhạc gì?” Nếu đã ra album thì ai cũng mong là sẽ có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng, nhưng thực ra thì khả năng đó không cao. Nhưng tôi sẽ không mượn sức mạnh của những bạn đang là xu hướng để song  ca hay hợp tác cùng. Tôi cũng không phải là sẽ làm âm nhạc liên tục như dự án “Monthly Yoon Jong Shin”. Thế nên tôi chỉ nghĩ là giờ sẽ đi thêm một bước nữa. Tôi nghĩ là sẽ ra một mini album nữa. Nó sẽ là chapter 2. Năm ngoái tôi có làm tầm 8 buổi concert, giờ tôi muốn làm concert ở quy mô nhỏ hơn để có thể đi lại dễ dàng giao lưu với mọi người. Tôi rất mong có một không gian có thể giao lưu được với mọi người.
Cậu có lời khuyên gì cho các hậu bối với tư cách là idol nguyên gốc?
Chính là nội hàm. Bây giờ chính là lúc có lợi. Khi ở trong khuôn mẫu của idol là lúc có lợi nhất. Giờ thì thời đại đã thay đổi nên có thể không phải là âm nhạc, nhưng mọi người hãy phát triển nội hàm đi, nhất là khi còn có lợi thì hãy phát triển bản thân đi. Tôi muốn nói như thế. Khi H.O.T. còn đủ 5 người, tôi đã từng nghĩ là nếu fanclub của nhóm có 100.000 người thì khi tan rã và ra solo, tôi sẽ có 20.000 fan, nếu như tính thật ra là độ nổi tiếng trong nhóm của tôi cũng cao, thì tôi sẽ có khoảng 25.000 hay 30.000 fan gì đó. Nhưng không, giờ chỉ còn 5.000 thôi. Chuyện đó những idol bây giờ dù có nghe bao nhiêu lần vẫn không hiểu được, tôi ngày trước cũng đã như thế. Vì thế nên tôi rất muốn nói những lời đó.
Cậu hãy giới thiệu những album có ảnh hưởng tới cậu hoặc những album mà cậu thích đi!
Appetite For Destruction của Guns N Roses, Songs From The Last Century của George Michael mà tôi đã nhắc bên trên, và Dookie của Green Day.
Appetite For Destruction của Guns N Roses thì là lý do cá nhân, đó là sự bắt đầu trong âm nhạc của tôi. Mọi người cũng luôn nhớ album đầu tiên khi mình bắt đầu nghe nhạc mà.
Còn Dookie của Green Day là một album có thể giúp bạn tiếp cận với rock một cách rất thoải mái. Tôi rất muốn giới thiệu rock đến mọi người, vì EDM hay pop thì mọi người vẫn có thể tự tìm nghe mà không cần ai giới thiệu. Bạn có thể tìm được thứ nhạc rock rất dễ nghe trong âm nhạc của Green Day.
George Michael thì dù đã qua đời nhưng ông là hình mẫu của tôi trong âm nhạc. Ông làm rất nhiều thể loại nhạc đa dạng. Hồi đó tôi đã nghi ngờ rằng ông làm nhiều loại nhạc như thế thì chúng có chiều sâu hay không, liệu ông có lạm dụng nhiều thể loại quá không. Nhưng album Songs From The Last Century đã đánh cho tôi một đòn. Album này đã chứng minh được rằng ông làm lại nhạc cũ với chất lượng như thế này thì cũng hoàn hoàn có năng lực làm tốt những thể loại khác. Ông đã trở thành hình mẫu của tôi như thế.
Phỏng vấn: Im Jin Mo, Jung Min Jae
Biên tập: Im Jin Mo

Ảnh: Han Jung Eun.
Dịch tiếng Việt: Polaris @ 4everhotvn (Club H.O.T. in Viet Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét